1. Hướng dẫn cách ngâm cóc dầm bò khô chua ngọt

1.1. Nguyên liệu

Cách làm cóc dầm bò khô có vị chua ngọt hòa quyện, vừa giòn, lại vừa mềm, đem đến cảm giác vô cùng thú vị khi thưởng thức món ăn vặt này ngồi “tán dóc” cùng bạn bè. Để tự thực hiện món ngon này tại nhà, bạn chuẩn bị các nguyên liệu sau:

  • Trái cóc tươi: 300 gram (nên chọn loại cóc bao tử cho giòn, ít chua)
  • Khô bò loại ngon, xé thành từng sợi: 50 gram (Nhớ chọn mua ở nơi có uy tín, sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhé)
  • Lạc rang bỏ vỏ: 30 gram
  • Gia vị: Đường trắng: 3 thìa cà phê, 3 thìa cà phê nước mắm loại ngon và 2 thìa cà phê muối ớt.
  • Dụng cụ: Nồi, thau, rổ, muỗng.
cóc bao tử đựng trong nồi cơm điện
Chọn cóc bao tử để có độ giòn ngon, ít chua. Ảnh: Internet

1.2. Cách sơ chế trái cóc không bị chua

  • Với cóc, bạn chỉ cần đem gọt vỏ thật sạch, xả sơ qua nước lạnh.
  • Sau đó, dùng dao tách cóc thành từng múi vừa ăn.
  • Để cóc dầm không bị chua, bạn nên ngâm cóc trong thau nước đá lạnh. Khoảng nửa tiếng sau, bạn vớt cóc ra rổ cho ráo nước. Cách làm này còn giúp món cóc dầm khô bò thêm giòn, rất ngon nữa đấy!
cách sơ chế trái cóc không bị chua
Rửa và ngâm cóc với nước đá để khử độ chua, giúp cóc giòn hơn.

1.3. Cách làm cóc dầm mắm đường chua ngọt với bò khô

  • Bắc nồi, cho nước mắm và đường vào, khuấy đều, bật lửa vừa cho đường tan. Hỗn hợp sôi thì bạn tắt bếp, để nguội.
nấu hỗn hợp mắm đường ngâm cóc dầm
Công đoạn nấu hỗn hợp mắm đường ngâm cóc dầm. Ảnh: Internet
  • Đợi cóc ráo nước thì đổ hỗn hợp nước mắm nấu đường ở trên vào, ngâm ngập cóc khoảng 10 phút.
  • Sau đó, rải muối ớt lên khắp thau cóc, xóc đều.
  • Cho khô bò xé sợi vào trộn đều.
  • Dọn thành phẩm ra dĩa, rắc lạc rang lên nữa là có thể thưởng thức ngay cho giòn ngon rồi.
cách làm cóc dầm khô bò muối ớt
Cách làm cóc dầm khô bò muối ớt.

1.4. Những điều cần lưu ý khi chế biến cóc dầm bò khô muối ớt, giấm đường

  • Bạn nhớ đợi cóc hoàn toàn khô nước và hỗn hợp mắm đường nguội mới trộn với nhau cho ngấm gia vị nhé.
  • Cách làm cóc dầm muối ớt chỉ trộn với bò khô, lạc rang khi ăn ngay nhé. Vì nếu bạn kết hợp các nguyên liệu này quá sớm, sẽ dễ khiến khô bò dính nước, mềm ra, ăn không còn ngon và thấm vị nữa.
Khi nào ăn mới trộn cóc dầm muối ớt với khô bò. Ảnh: Internet

2. Cách làm cóc dầm muối ớt hoặc muối tôm

2.1. Hướng dẫn làm cóc dầm muối ớt đơn giản tại nhà

  • Nguyên liệu cần chuẩn bị: 1,5 kg cóc bao tử, 3 trái ớt xắt, 6 thìa cà phê muối ăn, 1 muỗng canh bột ớt, 150 gram đường cát trắng. Ngoài việc để nguyên trái, bạn có thể tỉa cho cóc có hình dạng đẹp mắt hơn theo sở thích của mình nhé.
  • Cách làm cóc xóc muối ớt: Sau khi gọt vỏ cóc, bạn cho vào thau nước muối loãng ngâm 15 phút cho bớt chua. Sau đó, vớt cóc ra để ráo nước. Tiếp đến, cho cóc vào thau sạch, đổ đường trắng vào xóc đều và ướp khoảng 20 phút. Cuối cùng, cho phần muối, ớt bột vào thau, xóc đều với cóc tẩm đường. Giờ thì bạn có thể dọn thành phẩm lên và thưởng thức vị chua, ngọt và cay cay của món ăn vặt quen thuộc này ngay tại nhà rồi đấy.
cách làm cóc dầm muối ớt
Cách làm món cóc dầm muối ớt quen thuộc của đời học sinh.

2.2. Cách làm cóc lắc muối tôm đơn giản

  • Nguyên liệu: 3 trái cóc, 3 thìa cà phê nước mắm ngon, 3 thìa cà phê đường, 1 thìa muối tôm Tây Ninh, 1 ít bột ớt (điều chỉnh tùy khẩu vị ăn cay), 1/4 thìa cà phê bột ngọt.
  • Cách làm cóc dầm muối tôm: Bạn cũng rửa sạch cóc, cắt thành miếng vừa ăn theo chiều dọc trái. Còn với các nguyên liệu còn lại, bạn cho vào chảo, nấu cho nóng lên (không để sôi nhé). Cuối cùng, cho hỗn hợp nước mắm đường muối tôm vào hộp/ thố, cho cóc vào, đậy nắp, lắc đều cho nguyên liệu ngấm đều. Khoảng 10 – 15 phút sau là bạn có thể ăn ngay món ngon mà chỉ ngửi thôi đã chảy nước miếng này được rồi!
món cóc dầm muối tôm
Món cóc dầm nước mắm pha muối tôm độc đáo và ngon không kém ngoài hàng. Ảnh: Internet

3. Cách làm cóc dầm xí muội chua ngọt

3.1. Nguyên liệu làm cóc dầm

  • Cóc non: 1 kg (rửa sạch, tỉa theo hình dạng yêu thích)
  • Đường trắng: 200 gram
  • Ô mai xí muội: 5 viên (xắt thành miếng, bỏ hột bên trong)
  • Bột ớt: 1 muỗng súp

Mẹo: Bạn cũng có thể mua loại bột xí muội làm sẵn trong các cửa hàng, tạp hóa để thay thế cho ô mai.

cóc tỉa lắc xí muội
Cóc tỉa hình theo yêu thích, xí muội bỏ hột và xắt nhỏ.

3.2. Cách dầm cóc non với hỗn hợp chua cay làm từ xí muội

  • Xếp một lớp cóc vào âu sạch, rải một lớp đường mỏng lên trên, rồi xếp tiếp lớp cóc, rải đường xen kẽ cho đến khi hết nguyên liệu.
  • Tẩm cóc với đường cho đến khi đường tan hoàn toàn, cóc ngấm ngọt nhăn lại là được. Khi này, bạn sẽ nhận thấy nước đường tiết ra đọng lại ở đáy âu. Bạn tách riêng phần nước đường này với cóc nhé.
  • Cho xí muội vào trộn đều với cóc, cùng với bột ớt, rồi cho tất cả vào hũ nhựa, đậy nắp kín.
cách làm cóc dầm xí muội
Cách làm món cóc dầm xí muội chua ngọt.
  • Khoảng 2 – 3 tiếng sau là bạn có thể lấy cóc ngâm xí muội ra thưởng thức được rồi nhé. Với nhiều gia đình, đây không chỉ là thức ăn vặt, mà còn là món ngon ngày Tết dùng để đãi khách chống ngán. Riêng với nước đường tẩm cóc ban đầu, bạn có thể chắt riêng, cho đá vào làm nước giải khát rất ngon và mát.
cóc dầm xí muội
Cóc dầm xí muội vừa là món ăn vặt, vừa là món ngon đãi khách ngày Tết giải ngán.

4. Cách làm gân bò dầm cóc non

4.1. Nguyên liệu

  • 300 gram gân bò trong
  • 300 gram cóc non (rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ vừa ăn)
  • 1/2 thìa cà phê muối ăn
  • 70 ml nước mắm loại ngon
  • 70 gram đường cát trắng
  • 10 gram gừng gọt vỏ rồi băm
  • 10 gram ớt sừng rửa sạch, băm nhỏ
  • 10 gram hành lá rửa sạch, lấy phần gốc trắng
  • 50 gram giấm ăn
  • 10 gram tỏi lột vỏ, băm nhỏ
  • 20 gram sả xắt lát
  • 10 gram bột ớt Hàn Quốc
nguyên liệu làm cóc non dầm gân bò
Các thành phần nguyên liệu làm cóc non dầm gân bò.

4.2. Cách làm cóc non dầm gân bò giòn sần sật

4.2.1. Luộc gân bò và cắt thành miếng nhỏ
  • Trước hết, bạn rửa sơ gân bò với nước muối loãng, xả nước lạnh.
  • Bắc nồi nước sôi, cho gân bò vào luộc sơ với gốc hành trắng trong nửa tiếng để loại bỏ bụi bẩn, khử mùi hôi.
  • Vớt gân bò đã luộc ngâm với nước đá lạnh cho giòn.
  • Cắt gân bò thành các miếng nhỏ vừa ăn.
luộc gân bò và cắt nhỏ
Công đoạn luộc gân bò với gốc hành và cắt nhỏ.
4.2.2. Cách làm nước mắm ngâm cóc dầm gân bò
  • Cho các nguyên liệu gồm nước mắm, đường, giấm, sả, tỏi, gừng, ớt tươi và bột ớt vào một cái chén sạch.
  • Dùng muỗng khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện.
cách pha nước mắm làm cóc dầm gân bò
Công đoạn pha nước mắm làm cóc dầm gân bò cay cay, mặn ngọt.
4.2.3. Cách làm món gân bò dầm cóc non
  • Bạn cho gân bò, cóc đã cắt miếng vào thau, đổ phần nước mắm ngâm đã trộn ở công đoạn trước vào trộn đều với nguyên liệu.
  • Đến đây, có thể nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn.
cách làm cóc non dầm gân bò
Cách làm cóc non dầm gân bò.
  • Cho thau cóc dầm gân bò vào tủ lạnh, đặt ở ngăn mát để gia vị thấm giòn. Khi nào ăn thì có thể dọn ra thưởng thức.
dĩa cóc non dầm gân bò
Bạn đã ứa nước miếng khi nhìn dĩa cóc non dầm gân bò hấp dẫn thế này chưa nào! Ảnh: Internet

5. Cách làm cóc non dầm giòn xóc chân gà chua ngọt cay

5.1. Nguyên liệu

Món cóc dầm này dùng nguyên liệu từ bột ớt Hàn Quốc, kết hợp cùng ớt tươi cắt khúc, bằm nhuyễn đủ loại nên đảm bảo “cay xé lưỡi”. Bù lại, hương vị chua ngọt của nước ngâm, cùng vị giòn sần sật của cóc non kết hợp chân gà ngâm sả ớt siêu “quyến rũ” này sẽ khiến bạn phát thèm ngay từ lần đầu chạm mặt. Để thực hiện món ăn vặt lạ miệng này, bạn chuẩn bị ngay các nguyên liệu dễ tìm sau nhé:

  • 500 gram chân gà tươi (Bạn có thể học làm chân gà rút xương để thành phẩm giòn hơn nhé)
  • 400 gram cóc non
  • 30 ml nước mắm ngon
  • 30 ml giấm ăn
  • 5 gram tỏi bằm
  • 20 ml nước cốt chanh tươi
  • 5 gram sả cắt khúc
  • 15 gram ớt sừng xắt nhỏ và 5 gram ớt tươi băm nhuyễn
  • 10 gram hành tím cắt lát và 5 gram hành tím băm
  • 50 gram đường cát trắng
  • 5 gram gừng cắt lát
  • 10 gram ớt bột (nên dùng loại bột ớt Hàn Quốc)
  • 10 gram lá chanh non
nguyên liệu làm cóc non dầm chân gà chua ngọt
Chuẩn bị các nguyên liệu chính làm cóc non dầm chân gà chua ngọt cay.

5.2. Cách làm cóc non dầm chua ngọt cay với chân gà

5.2.1. Cách sơ chế cóc non và chân gà
  • Với chân gà: Bạn xát muối, rửa sạch. Sau đó, cho chân gà vào nồi nước cùng với sả, gừng hấp tầm 15 phút cho chín vừa thì tắt bếp. Vớt chân gà ra, ngâm vào tô nước đá lạnh cho săn giòn lại. Tiếp đến, bắc chảo dầu, đun nóng, cho chân gà vừa hấp cùng lá chanh vào đảo đều. Cách này giúp chân gà không còn mùi tanh hôi, mà lại thơm, giòn hơn. Chân gà chuyển màu hơi vàng giòn thì vớt ra, vớt bỏ lá chanh, giữ lại chảo dầu ăn.
cách hấp và ngâm chân gà với nước đá khử mùi hôi
Hấp và ngâm chân gà với nước đá, chiên sơ với lá chanh để khử mùi hôi.
  • Với cóc non: Bạn cũng rửa sạch, xắt lát mỏng vừa ăn (có thể gọt vỏ hoặc không). Sau đó, trộn cóc non với ớt xắt nhỏ, hành tím cắt lát.
5.2.2. Cách chế biến cóc non xóc chân gà chua ngọt cay
  • Với chảo dầu ăn dùng để chiên sơ chân gà, bạn bật bếp lại, cho hành tím và tỏi băm vào, phi thơm. Sau đó, thêm giấm, nước mắm, đường cùng với bột ớt, ớt bằm vào đảo đều. Cách làm nước cóc dầm này đợi sôi nhẹ và dậy mùi thơm đặc trưng thì tắt bếp, để nguội.
cách làm nước cóc dầm chân gà chua ngọt
Cách nấu nước cóc dầm chân gà chua ngọt, và cay “hết phần thiên hạ”!
  • Cho chân gà, cóc non vào tô, rưới hỗn hợp nước mắm pha giấm đường ở trên vào, xóc đều.

Mẹo: Cách làm cóc dầm với chân gà sẽ thấm gia vị ngon hơn nếu bạn trực tiếp trộn bằng tay. Tuy nhiên, bạn nhớ đeo găng tay khi trộn để tránh ám hơi cay từ ớt và các nguyên liệu nhé.

cách làm cóc non dầm chua ngọt cay với chân gà
Cách làm cóc non dầm chua ngọt cay trộn với chân gà.
  • Sau khi trộn xong, bạn đợi 10 phút cho chân gà, cóc non thấm gia vị.
  • Sau đó, có thể dọn ra thưởng thức cùng bạn bè, gia đình rồi đấy.
cóc non dầm chân gà
Dĩa cóc non xóc chân gà cay cay, chua ngọt màu sắc bắt mắt, nhìn thôi đã thèm! Ảnh: Internet

6. Giá trị dinh dưỡng của trái cóc

Cóc (cây) là một loại trái cây nhiệt đới, giàu chất xơ, thuộc vùng xích đạo hoặc nhiệt đới. Cây cóc có nguồn gốc từ các nước Nam và Đông Nam Á. Hoa của cây cóc có màu trắng, hoặc trắng kem, đài hoa rực rỡ, nhẵn. Quả cóc có màu xanh và cứng khi non, chuyển sang màu vàng lục hoặc vàng khi chín. Về thành phần dinh dưỡng, trái cóc có hàm lượng axit nhiều, giàu chất xơ, vitamin A, vitamin C, Canxi,…Y học cũng đã khẳng định các lợi ích của quả cóc đối với sức khỏe bao gồm:

  • Giúp điều trị ho
  • Kiểm soát mức cholesterol, hỗ trợ giảm cân
  • Cải thiện thị lực
  • Tăng sức miễn dịch
  • Ngăn ngừa lão hóa sớm
dĩa trái cóc non xanh và chín vàng
Trái cóc chứa nhiều vitamin, chất xơ tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet
  • Giúp điều trị các vấn đề về tiêu hóa
  • Khắc phục tình trạng thiếu máu
  • Cải thiện “sức khỏe làn da”

Nhiều chuyên gia khuyến nghị chúng ta nên sử dụng quả, lá cóc non để chế biến món ăn. Trong đó, cách làm cóc dầm là một trong những công thức làm các món ăn vặt đơn giản, dễ dàng nhất. Trái cóc có độ giòn và vị chua rất đặc trưng, có thể sử dụng nước ép để giải khát cực tốt. Vừa ngon, chỉ tốn 20 phút chế biến, không ngờ món ăn vặt của tuổi thơ vô tư cùng bạn bè lại mang nhiều lợi ích “vi diệu” đến như thế. Chúc bạn thực hiện thành công và có thêm nhiều biến tấu cóc dầm, cóc lắc chua ngọt cực ngon theo phong cách của mình nhé!

Thùy Trâm tổng hợp