1. Các cách ngâm sấu tươi ngon, giòn và không bị váng

Ngâm sấu có nhiều cách khác nhau, tùy vào khẩu vị của mỗi người mà món ngon làm ra cũng mang hương vị riêng. Một buổi chiều hè, lang thang dọc theo những con đường nhỏ Hà Nội, nhâm nhi một ly sấu ngâm ngọt ngọt, chua chua khiến cho cái nóng ngày hạ như được vơi đi rất nhiều. Hãy theo chân trangnauan.com tìm hiểu xem bằng phương pháp nào mà sấu có thể bảo quản được lâu và ngon đến thế nhé.

1.1. Cách ngâm sấu tươi với nước đường

1.1.1. Nguyên liệu
  • 1 kg sấu tươi
  • 1 củ gừng
  • 1 kg đường trắng
  • Muối và 1 hũ thủy tinh có nắp đậy
Quả sấu có màu xanh
Sấu được chọn để ngâm đường thường là loại sấu vừa mới chín tới, da sần sùi. Ảnh: Internet
1.1.2. Hướng dẫn cách ngâm sấu với nước đường theo các bước sau
  • Bước 1: Chuẩn bị một thau nước muối, sau khi cạo sạch vỏ sấu thì bỏ vào để không bị thâm đen. Kế đến, bạn nấu một nồi nước sôi cho sấu vào, trụng sơ khoảng 30 giây thì cho sấu ra rổ và để nguội.
Gọt sấu và cho ngay vào thau nước
Gọt vỏ thật sạch rồi cho ngay vào thau nước đã chuẩn bị trước để tránh bị thâm đen. Ảnh: Internet
Sấu để ra rổ cho ráo nước
Sau khi trụng sơ qua nước sôi khoảng 3 phút thì vớt sấu ra để ráo nước. Ảnh: Internet
  • Bước 2: Khi sấu đã nguội hoàn toàn, cho vào thau inox và đổ đường theo tỉ lệ 1:1. Ngâm qua đêm để đường tan hết và ngấm vào sấu.
  • Bước 3: Lấy hũ thủy tinh rửa sạch, trụng sơ qua nước sôi. Trong khi chờ hũ thủy tinh khô hẳn, bạn bắt nước đường lên bếp để đun, nhớ cho thêm củ gừng đã làm sạch và đập dập vào nấu cùng.
  • Bước 4: Khi hũ thủy tinh đã khô và nước đường nguội hoàn toàn, bạn cho sấu vào để ngâm. Mẹo ngâm sấu này tuy đơn giản, nhưng nếu các dụng cụ dùng để chế biến không sạch sẽ khiến sấu nhanh chóng bị lên mốc và nổi váng.
Cho sấu vào trong hũ thủy tinh
Cho sấu vào hũ thủy tinh, đậy nắp kín và bảo quản nơi thoáng mát. Ảnh: Internet

1.2. Cách ngâm sấu với nước mắm đường

1.2.1. Nguyên liệu
  • 300 gram sấu tươi (nên chọn sấu vừa già tới)
  • 300 ml nước mắm
  • 50 ml nước sôi để nguội
  • 5 trái ớt chỉ thiên
  • 2 củ tỏi
  • Đường trắng, muối và hũ thủy tinh có nắp đậy
1.2.2. Hướng dẫn cách làm sấu ngâm với nước mắm đường
  • Bước 1: Cũng chuẩn bị 1 thau nước muối để khi cạo vỏ sấu thì bỏ vào tránh bị thâm đen. Tuy nhiên, ở công thức này, bạn cần khứa vài đường và tách hờ để mắm đường nhanh thấm.
Gọt vỏ sấu
Cách sơ chế sấu cũng tương tự như cách làm trên. Ảnh: Internet
  • Bước 2: Nấu một nồi nước sôi và trụng sơ sấu khoảng 30 giây rồi vớt ra để nguội, ráo nước. Tỏi và ớt cũng rửa sạch, để ráo nước.
  • Bước 3: Rửa sạch hũ thủy tinh, trụng qua nước sôi, phơi khô và cho sấu cùng tỏi ớt vào.
  • Bước 4: Cho 300 ml nước mắm và 100 ml nước sôi để nguội vào nồi, bật bếp, đun đến khi sôi thì bỏ thêm 4 muỗng đường trắng vào. Nhớ là khuấy đều tay để đường không bị khét. Chờ cho nước mắm sôi lại thì tắt bếp và để nguội.
  • Bước 5: Sau khi nước mắm đường đã nguội hoàn toàn thì đổ vào hũ thủy tinh ngâm sấu. Đậy hũ sấu thật kĩ và để nơi thoáng mát. Sau từ 3 đến 4 ngày bạn đã có thể lấy ra ăn.
Sấu ngâm mắm đường
Mặc dù nhìn bên ngoài sấu ngâm mắm đường có phần tương tự sấu ngâm mắm tỏi ớt nhưng vị ngọt lại đậm đà hơn. Ảnh: Internet

1.3. Cách ngâm sấu với mắm tỏi ớt

1.3.1. Nguyên liệu
  • 300 gram sấu tươi (cũng nên chọn loại sấu vừa già tới)
  • 300 ml nước mắm
  • 150 ml nước sôi để nguội
  • 10 trái ớt chỉ thiên
  • 5 củ tỏi
  • Muối và hũ thủy tinh có nắp đậy
Nguyên liệu sấu, nước mắm, ớt, tỏi
Nguyên liệu chuẩn bị cho sấu ngâm nước mắm. Ảnh: Internet
1.3.2. Cách ngâm sấu với mắm tỏi ớt được thực hiện như sau
  • Bước 1: Sau khi cạo sạch lớp vỏ sấu thì đem ngâm liền với thau nước muối pha loãng để tránh thâm đen. Sau đó, cho sấu vào nồi nước đã đun sôi. Tương tự như các công thức ngâm sấu ở trên, trụng sơ qua 30 giây rồi vớt ra để nguội.
Sơ chế nguyên liệu cho sấu ngâm mắm.
Sơ chế nguyên liệu cho sấu ngâm mắm. Ảnh: Internet
  • Bước 2: Bóc sạch vỏ tỏi và cuống ớt, rửa qua với nước và để ráo cùng với sấu. Sau đó xếp vào hũ thủy tinh sạch.
  • Bước 3: Cho 300 ml nước mắm và 150 ml nước sôi để nguội vào nồi, đun sôi sau đó tắt bếp.
  • Bước 4: Khi nước mắm đã nguội hoàn toàn thì đổ vào hũ thủy tinh, đậy nắp thật kĩ. Đặt ở nơi thoáng mát, sau khoảng 3 ngày là có thể ăn được. Muốn bảo quản được quanh năm thì nhớ đừng để hũ sấu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhé.
Sấu ngâm trong hủ thủy tinh
Xếp sấu vào hũ thủy tinh, đậy nắp kĩ, ngâm khoảng 3 ngày là có thể ăn. Ảnh: Internet

1.4. Cách ngâm sấu ngon giòn bằng nước vôi trong

1.4.1. Nguyên liệu
  • 1 kg sấu
  • 800 gram đường
  • Một ít muối hạt
  • Nước vôi trong
  • 2 củ gừng
  • 1 hũ thủy tinh sạch có nắp đậy
Bạn có thể mua bột vôi rồi về pha chế theo hướng dẫn trên bao bì để tại ra nước vôi trong
Bạn có thể mua bột vôi rồi về pha chế theo hướng dẫn trên bao bì để tại ra nước vôi trong. Ảnh: Internet
1.4.2. Cách ngâm sấu bằng nước vôi trong từng bước chi tiết
  • Bước 1: Khi mua, bạn nên chọn những quả sấu mới vừa chín tới, không bị dập nát. Sau đó, gọt vỏ và bỏ vào thau nước muối pha loãng để tránh bị thâm đen.
  • Bước 2: Kế đến, dùng dao khứa một đường tròn sâu quanh trái sấu rồi cho vào nước vôi trong. Cách làm này sẽ giúp cho quả sấu giòn và ngon hơn khi ăn. Ngâm sấu khoảng 30 phút trong nước vôi trong, sau đó vớt ra và rửa lại với nước sạch nhiều lần để không còn mùi vôi. Tiếp đến đem sấu ra ngoài nắng, phơi khoảng 3 đến 4 tiếng cho sấu héo lại.
  • Bước 3: Cho đường cùng với 1,5 lít nước vào nồi lớn, đun sôi và thỉnh thoảng khuấy đều để đường không bị kẹo. Chờ đến khi nước đường sôi thì tắt bếp và cho một ít muối cùng với gừng đã giã nhuyễn. Việc bỏ muối vào nước đường giúp cho hạt sấu khi ngâm không bị ủng.
  • Bước 4: Xếp sấu vào hũ thủy tinh, sau đó đổ nước đường và đậy kín nắp hũ. Giữ trong điều kiện thoáng mát khoảng 7 ngày là bạn đã có được món ngon ngày hè để giải nhiệt vô cùng hấp dẫn.
Sấu ngâm nước vôi trong
Ngâm sấu trong khoảng 7 ngày là bạn đã có được thức uống giải khát mùa hè vô cùng ngon. Ảnh: Internet

1.5. Cách ngâm sấu bao tử với đường, gừng ngon giòn

Đầu hè, trên những cây sấu già đã bắt đầu lấp ló trái non. Chúng hình tròn, da có đôi chổ sần sùi và khi vẫn còn chưa trưởng thành, chúng được gọi với cái tên rất đỗi dễ thương là sấu bao tử.

1.5.1. Nguyên liệu
  • 1 kg sấu bao tử
  • 2 củ gừng tươi
  • 1 kg đường trắng
  • 200 gram muối hột
  • 1 hũ thủy tinh có nắp đậy
Sấu non hay còn gọi là sấu bao tử
Sấu non hay còn được gọi là sấu bao tử, có thể ăn luôn cả hạt. Ảnh: Internet
1.5.2. Hướng dẫn cách làm sấu bao tử ngâm đường gừng
  • Bước 1: Sấu bao tử mua về cũng gọt sạch vỏ, sau đó đem ngâm với chậu nước muối pha loãng để vừa không bị thâm đen, vừa ra hết nhựa sấu. Khoảng 30 phút, vớt ra rửa lại với nước sạch và để ráo.
  • Bước 2: Nấu một nồi nước sôi sau đó thả sấu vào khoảng 2 phút thì vớt ra. Lưu ý không để quá lâu, như vậy sấu sẽ bị bủn và không còn ngon.
Trần sơ sấu qua nước sôi
Trần sấu qua nước sôi khoảng 2 phút rồi vớt ra ngay. Ảnh: Internet
  • Bước 3: Kế đến, xếp sấu và đường xen kẽ (một lớp sấu rồi một lớp đường), đến mặt trên cùng thì cho gừng đã thái sợi vào, thêm một muỗng cà phê muối. Đậy vung và xốc đều, ngâm như vậy trong vòng 24 giờ.
  • Bước 4: Qua 24 giờ, khi đường đã tan hết thì vớt sấu bỏ vào hũ thủy tinh. Phần nước đường còn lại cho lên bếp, bật lửa nhỏ và khuấy đều, đến khi sôi thì tắt bếp.
  • Bước 5: Đợi cho nước đường nguội hoàn toàn thì đổ vào hũ thủy tinh. Ngâm khoảng 2 ngày là bạn đã có thể sử dụng món sấu bao tử ngâm chua chua ngọt ngọt, hương vị đậm đà vô cùng.
Sấu bao tử ngâm
Chỉ cần ngâm 2 ngày là bạn đã có thể thưởng thức món sấu bao tử ngâm. Ảnh: Internet

1.6. Cách ngâm sấu với mật ong

1.6.1. Nguyên liệu
  • 1 kg sấu
  • 600 ml mật ong
  • 1 củ gừng
Mật ong
Bạn nên chọn loại mật ong nguyên chất để ngâm sấu. Ảnh: Internet
1.6.2. Hướng dẫn cách ngâm sấu mật ong
  • Bước 1: Cách sơ chế sấu để ngâm với mật ong cũng tương tự như những cách ở trên. Khi mua, bạn nên chọn những quả to, da sần và vừa chín tới. Sau đó, gọt vỏ thật sạch và cho ngay vào thau nước lạnh hoặc thau nước muối pha loãng đã chuẩn bị sẵn. Tiếp đến, cắt sấu theo hình xoắn ốc rồi cũng bỏ lại vào chậu nước.
  • Bước 2: Trần sơ sấu vào nước sôi khoảng 1 đến 2 phút rồi vớt ra, rửa lại nước lạnh và để ráo nước.
  • Bước 3: Lấy hũ thủy tinh sạch đã chuẩn bị từ trước, xếp sấu vào và cho gừng đã thái sợi lên bề mặt. Sau đó, đổ mật ong nguyên chất cho ngập sấu và đậy nắp thật kĩ. Qua một tuần là bạn đã có món sấu ngâm mật ong hấp dẫn vô cùng.
Để một lớp gừng lên trên bề mặt
Bỏ một lớp gừng lên bề mặt và mật ong ngập sấu. Ảnh: Internet

2. Mẹo nhỏ giúp ngâm sấu ngon, giòn đúng cách, để được lâu và không bị nổi váng

  • Muốn ngâm sấu để được lâu, bạn nên chọn những quả vừa chín tới, không bị dập. Nếu dùng sấu bao tử thì nhanh bị ủng, ngược lại những quả quá già thì ít thịt và hạt to.
  • Khi sơ chế sấu, bạn nên chuẩn bị sẵn một thau nước lạnh hoặc nước muối pha loãng để khi vừa gọt xong thì cho sấu vào ngay để tránh bị thâm đen. Sau đó, cắt sấu thành hình xoắn ốc hoặc một hình nào đó tùy thích rồi lại cho ngay vào thau nước. Như vậy khi ngâm sấu sẽ nhanh chín hơn.
  • Ở bước cho sấu vào hũ thủy tinh, lưu ý hũ thủy tinh phải sạch, ráo nước và có nắp đậy.
  • Bảo quản hũ sấu ngâm ở môi trường thoáng mát, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

3. Tác dụng của quả sấu đối với sức khỏe

3.1. Ăn sấu ngâm có tốt hay không?

Quả sấu khi chín chứa hơn 80% nước, phần còn lại là các axit hữu cơ, sắt, glucid, photpho,…Vì thế mà chúng có tác dụng rất lớn đối với sức khỏe và giúp điều trị được nhiều loại bệnh.

Sấu ngâm uống giải nhiệt mùa hè
Sấu ngâm là thức uống giải nhiệt ngày hè vô cùng tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet
  • Tính chua trong sấu có tác dụng kích thích và tăng cường hệ tiêu hóa.
  • Uống nước sấu ngâm là phương pháp giải rượu vô cùng hiệu quả.
  • Phụ nữ khi mang thai ăn sấu nấu canh hoặc sấu om vịt sẽ giảm bớt triệu chứng nôn nghén.

3.2. Bà bầu ăn sấu ngâm có được không?

Mang thai là khoảng thời gian tương đối nhạy cảm của phụ nữ. Đây là giai đoạn mà người mẹ cần cân nhắc kĩ lưỡng những loại thực phẩm trước khi nạp vào cơ thể. Cũng chính vì thế mà nhiều phụ nữ mang thai lo lắng không biết rằng sấu ngâm có tốt cho sức khỏe hay không, thì câu trả lời là có nhé.

  • Giai đoạn đầu khi mang thai, phụ nữ thường phải đối mặt với các triệu chứng như khó chịu, nôn ói, người ta hay gọi là ốm nghén. Việc sử dụng nước sấu ngâm sẽ giảm bớt cảm giác khó chịu vì tính chua trong loại quả này. Tuy nhiên cũng không nên uống quá nhiều nhé.
  • Phụ nữ mang thai khi bị ho, không nên dùng thuốc vì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Lúc này bạn có thể lấy cùi sấu ngâm và ít muối để sắc uống. Làm liên tục khoảng 2 đến 3 ngày thì sẽ nhanh chóng khỏi.
  • Vị chua trong sấu có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa. Vì thế một cốc sấu ngâm trong ngày hè oi bức sẽ giúp bà bầu tránh bị đầy bụng, ợ hơi và ăn uống ngon miệng hơn.
Uống nước sấu ngâm rất tốt cho bà bầu
Sấu ngâm có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe bà bầu. Ảnh: Internet

3.3. Những ai không nên ăn sấu ngâm?

Mặc dù tốt cho sức khỏe, thế nhưng sấu vẫn hạn chế đối với một số người sau đây:

  • Những ai có tiền sử bệnh dạ dày, tá tràng không nên dùng những món ăn hoặc thức uống được chế biến từ sấu.
  • Không nên cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi uống nước ngâm từ sấu.
Nước ngâm sấu
Dù tốt, nhưng sấu ngâm cũng có tác dụng ngược lại với một số người. Ảnh: Internet
  • Uống sấu ngâm đường nhiều có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì, tiểu đường,…nên những người đã mắc bệnh này thì không nên uống.

Sấu được xem là một trong những đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến Hà Nội. Vào mùa hè, hầu như ngõ ngách nào của thủ đô cũng tràn ngập sắc xanh của quả sấu. Và, để có thể thưởng thức được hương vị của món ngon Hà Nội này quanh năm, người ta đã đem ngâm bằng nhiều cách khác nhau. Trên đây, bài viết đã tổng hợp giúp bạn những cách ngâm sấu vừa ngon, vừa giòn, vừa bảo quản được lâu mà không hề bị nổi váng. Hãy tham khảo để có được một món ngâm chua ngọt thật bổ dưỡng và thanh mát cho ngày hè oi bức nhé.

Mỹ Lệ tổng hợp