1. Nguồn gốc ý nghĩa của lễ cúng Giao thừa

Cúng Giao thừa là hoạt động rất quen thuộc vào dịp cuối năm nhưng mâm cúng giao thừa gồm những gì và bày biện ra sao thì không phải ai cũng nắm rõ. Lễ cúng giao thừa còn được biết đến là lễ trừ tịch, lễ cúng này thường diễn ra vào 12 giờ đêm (giờ Tý) ngày cuối cùng của năm cũ (tức là 30 tháng Chạp năm đủ hoặc 29 tháng Chạp năm thiếu).

Người ta thực hiện lễ cúng này với mong muốn tiễn đưa những điều không may mắn trong năm cũ và đón năm mới với những điều tốt đẹp, an lành. Theo quan niệm dân gian, mỗi năm hạ giới sẽ có những vị thần Hành binh, Hành khiển và Phán quan cai quản khác nhau. Hết một năm làm việc, các vị thần cai quản hạ giới cũ sẽ bàn giao lại cho những vị thần mới. Vì thế mà lễ cúng giao thừa còn có thể hiểu là bữa tiệc để cảm ơn, tiễn đưa những vị thần cũ, nghênh đón các vị thần mới.

Ý nghĩa lễ cúng giao thừa
Lễ cúng giao thừa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của hầu hết mọi người. Ảnh: Internet

Ngày nay, mặc dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, song hầu hết nhiều gia đình vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp này. Cứ vào ngày cuối năm, các thế hệ trong gia đình lại quây quần bên nhau làm một mâm lễ cúng thật trang trọng. Chúng không chỉ thể hiện sự tri ân báo đức mà qua đó, người ta còn bày tỏ mong ước gia đình được ấm no, hạnh phúc.

2. Chuẩn bị mâm cúng Giao thừa gồm những gì?

Lễ cúng giao thừa được xem là lễ cúng quan trọng nhất trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán về. Lễ cúng này gồm 1 lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời. Mỗi lễ cúng sẽ có mâm cỗ riêng, không cái nào giống cái nào. Vậy mâm cúng giao thừa gồm những gì? Đáp án sẽ có ngay dưới đây.

2.1. Mâm cúng giao thừa ngoài trời gồm những gì?

2.1.1. Ý nghĩa mâm cúng giao thừa ngoài trời

Lễ cúng giao thừa ngoài trời là lễ cúng tiễn vị thần cựu vương hành khiển. Đây là vị thần chịu trách nhiệm trông coi, săn sóc người dân ở hạ giới. Mâm cúng giao thừa ngoài trời vừa là để tiễn vị thần này về Thiên đình, vừa nghênh tiếp vị thần mới.

Mâm cúng giao thừa ngoài trời gồm những gì
Mâm cúng giao thừa ngoài trời. Ảnh: Internet

Theo quan niệm dân gian, các vị Hành Khiển và Phán quan làm nhiệm vụ cai quản hạ giới có tổng cộng 12 người, ứng theo 12 cung hoàng đạo gồm:

  1. Năm Tý : Bao Gồm Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán Quan.
  2. Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan.
  3. Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan.
  4. Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan.
  5. Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan.
  6. Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan.
  7. Năm Ngọ: Tấn Vương Hành Khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan.
  8. Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan.
  9. Năm Thân:Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan.
  10. Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan.
  11. Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan.
  12. Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.

2.1.2. Lễ vật trong mâm cúng giao thừa ngoài trời

Mâm cúng giao thừa ngoài trời thường được đặt trước chính điện giữa sân nhà, chúng bao gồm những lễ vật: gà trống tơ luộc (hoặc thủ lợn), bánh chưng, đèn dầu hoặc nến, vàng mã, hoa tươi, trầu cau, trà và một chiếc mũ hàng mã. Những đồ cúng này cần chuẩn bị đầy đủ và đặt ra giữa sân trước giờ giao thừa. Mâm lễ nên đặt ở hướng Đông hoặc hướng Bắc. Hướng Đông là hướng để cúng Thiên tử, còn hướng Bắc là hướng để cúng Ngọc Hoàng.

Lễ vật cúng đêm giao thừa
Lễ vật cúng đêm giao thừa ngoài trời. Ảnh: Internet

Trong truyền thuyết, những vị thần Hành Khiển, Phán quan này thường chí công vô tư. Vì thế khi khói hương, gia chủ mà cầu nguyện từ lợi thì mâm cỗ xem như quà đút lót, các vị thần sẽ đi ngay. Ngược lại, gia đình nào thành tâm sẽ được các thần dốc lòng phù hộ.

2.1.3. Văn khấn bài cúng giao thừa ngoài trời

Hướng dẫn đọc văn khấn cúng giao thừa ngoài trời phần 1

Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Kính lạy:

– Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương

– Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

– Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh

– Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần

– Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Hành khiển

– Con kính lạy ngài đương niên Thiên quan

– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ hổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần.

Nay là phút giao thừa năm Kỷ Hợi với năm Canh Tý

Chúng con là: ……………………………………………………….., sinh năm: ……………………….

Hành canh: ………………….. tuổi

Cư ngụ tại số nhà:………, ấp/khu phố:………….….., xã/phường ………………………………..

Quận/huyện/ thành phố ……………………………tỉnh/thành phố …………………………………….”

Hướng dẫn đọc văn khấn cúng giao thừa ngoài trời phần 2

“Nhân phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khang thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật thánh, dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài cựu niên đương cái Thái tuế, ngài tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần. Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô A di đà Phật (3 lần, 3 lạy)”

2.2. Chuẩn bị mâm cơm cúng Giao thừa trong nhà gồm những gì?

Lễ cúng giao thừa trong nhà còn được gọi là lễ cúng Thổ Công. Đây là vị thần có nhiệm vụ cai quản mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Mâm lễ cúng này, bạn có thể dùng đổ chay hoặc mặn đều được. Tuy nhiên, khi cúng, các thành viên trong gia đình cần phải nghiêm trang và thành tâm dâng hương cầu khấn. Cũng như mâm cơm cúng ông Công ông Táo, cách cúng giao thừa trong nhà thường có sự khác nhau giữa các vùng miền.

2.2.1. Mâm cúng giao thừa trong nhà miền Bắc

Mâm cúng giao thừa trong nhà miền Bắc chẳng bao giờ thiếu bánh chưng, xôi, gà luộc và chè kho. Đây còn được xem là món ăn ngon ngày Tết miền Bắc mang trọn đặc trưng ẩm thực của nơi đây. Tùy vào điều kiện gia đình mà số lượng các món cúng có thể tăng hoặc giảm. Vì thế mà bên cạnh những món không thể thiếu, trên mâm cỗ cúng giao thừa miền Bắc người ta còn thấy một số món khác như: măng tươi hầm giò heo, canh bóng thả thập cẩm, miến dong nấu lòng gà, mọc, giò luộc, giò xào và nộm dưa hành.

Mâm cơm cúng giao thừa trong nhà miền Bắc
Mâm cơm cúng giao thừa trong nhà ở miền Bắc không thể thiếu gà luộc và bánh chưng. Ảnh: Internet

2.2.2. Mâm cúng giao thừa trong nhà miền Trung

Miền Trung là nơi giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam Bắc, nên mâm cơm cúng giao thừa cũng đặc sắc không kém. Bên cạnh những món không thể thiếu như bánh tét, thịt gà luộc cúng vàng đẹp, người ta còn cho thêm gỏi gà hành tây cà rốt, nem tré Huế, dưa hành muối khế hoặc dưa kiệu, giò lụa,…

Mâm cơm cúng giao thừa trong nhà ở miền Trung
Mâm cơm cúng giao thừa ở miền Trung có sự giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Ảnh: Internet

2.2.3. Mâm cơm cúng giao thừa trong nhà ở miền Nam

Có thể nói, trong mâm cúng giao thừa miền Nam, bánh tét được sử dụng rất rộng rãi. Bên cạnh đó là gà luộc cúng Giao thừa, củ kiệu ngâm chua ngọt, thịt kho tàu với trứng vịt, khổ qua nhồi thịt,…Mặc dù văn hóa cúng ở mỗi miền có phần khác nhau, song quan niệm cúng những món ăn ngon nhất, đặc sắc nhất lại là điểm chung nhất quán của cả 3 vùng.

Mâm cơm cúng giao thừa trong nhà miền Nam
Mâm cơm cúng giao thừa trong nhà ở miền Nam không thể thiếu bánh tét, thịt kho tàu và khổ qua hầm. Ảnh: Internet

2.2.4. Văn khấn giao thừa trong nhà

Hướng dẫn đọc văn khấn cúng giao thừa trong nhà phần 1

Kính lạy:

– HOÀNG THIÊN, HẬU THỔ, CHƯ VỊ TÔN THẦN

– LONG MẠCH, TÁO QUÂN, CHƯ VỊ TÔN THẦN

– CÁC CỤ TỔ TIÊN NỘI – NGOẠI CHƯ VỊ TIÊN LINH

Nay phút giao thừa giữa năm Kỷ Hợi 2019 và năm Canh Tý 2020.

Chúng con là: ……………………………………………………….…………Tuổi………………

Hiện cư ngụ tại số nhà …….. Đường……………………..Khu phố ……………….……….

Phường ……………………Quận……………………..………..Thành phố………………….

Phút Giao thừa vừa tới, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, chúng con thành tâm, tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật- Thánh, dâng hiến tôn Thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.”

Hướng dẫn đọc văn khấn cúng giao thừa trong nhà phần 2

Chúng con kính mời:

Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ Thần, Phúc đức chính Thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, các ngài bản gia Táo phủ Thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

Con lại kính mời, các cụ tiên linh, Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nội tộc, ngoại tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng hâm hưởng lễ vật. Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo thụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho chúng con, tân niên khang thái, ngày đêm tốt lành, thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng.

Giải tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Phục duy cẩn cáo!

Chuẩn bị mâm cúng Giao thừa gồm những gì và cách bày biện mâm cơm cúng ngoài trời, trong nhà ra sao đã được giải đáp khá cụ thể trên bài viết trên đây. Lễ cúng đêm Giao thừa là một trong những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chúng không chỉ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ ngàn đời của tổ tiên, mà thông qua đó, người ta còn mong muốn về một cuộc sống sung túc, tốt đẹp.

Mỹ Lệ tổng hợp