Cách nấu chè bưởi An Giang không quá khó. Thế nhưng, công đoạn quan trọng nhất là làm sao để cùi bưởi không bị đắng, ăn vào giòn dai, không bị xơ. Vỏ bưởi không chỉ có tác dụng trong việc làm đẹp, chữa bệnh mà còn là nguyên liệu chính của món chè bưởi thanh mát, béo ngậy. Đây là món tráng miệng quen thuộc và yêu thích, dù trời nóng hay lạnh cũng rất phù hợp.

1. Cách nấu chè bưởi nước cốt dừa tại nhà thơm ngon, giòn không bị đắng

1.1. Nguyên liệu nấu chè bưởi An Giang

Với món chè bưởi An Giang, ngoài chuẩn bị nguyên liệu vỏ bưởi, chúng ta cũng cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:

  • Vỏ bưởi: 1 trái
  • Đậu xanh: 200 gram
  • Đường phèn: 400 gram
  • Bột năng hoặc bột sắn dây: 20 gram
  • Nước cốt dừa: 200 ml
  • Muối
  • 10 cọng lá dứa
  • Thau nước đá
  • Đậu phộng rang
nguyên liệu nấu chè
Nguyên liệu nấu chè bưởi thường là vỏ bưởi Năm roi hoặc bưởi da xanh. Ảnh: Internet.

1.2. Cách nấu chè bưởi An Giang với nước cốt dừa thơm ngon nhất

1.2.1. Cách sơ chế vỏ bưởi để nấu chè bưởi An Giang giòn ngon, không bị đắng

  • Vì lượng tinh dầu bưởi trong vỏ bưởi sẽ làm chè có vị đắng nên bạn cần phải gọt bỏ hết phần vỏ xanh, chỉ lấy phần cùi trắng. Tiếp theo, thái nhỏ phần cùi bưởi thành hạt lựu dài khoảng 1 cm. Để làm cùi bưởi hết đắng, bạn rửa sạch với nước tầm 3 – 4 lần để loại bỏ phần tinh dầu còn lại.
  • Sau khi để ráo nước, cho vào 30 gram muối và 500 ml nước, trộn đều rồi ngâm. Khoảng 1 tiếng thì vắt bưởi, bạn lưu ý cũng không nên vắt kiệt sẽ làm cho cùi bưởi khô và bị xơ. Xả với nước khoảng 1 – 2 lần, vắt nước cho đến khi nếm thử cùi bưởi không thấy đắng và mặn.
cách nấu chè bưởi an giang cắt vỏ bưởi
Cách nấu chè bưởi An Giang quan trọng ở công đoạn sơ chế sao cho cùi bưởi không bị đắng. Ảnh: Internet.

1.2.3. Cách hấp đậu xanh nấu cùng cùi bưởi luộc nấu chè kiểu An Giang

  • Đậu xanh mua về, loại bỏ hạt mọt, vo sạch rồi để ráo nước. Đậu xanh ngâm trong nước ấm khoảng 4 tiếng, sau đó xả lại với nước để ráo. Bạn đem đậu xanh hấp với lá dứa cho thơm, chín mềm.

Lưu ý: Không nên hấp quá chín, bạn thấy hạt đậu vừa nở bung là được để khi nấu chè đậu không bị nát.

  • Đun sôi nước, cho cùi bưởi vào luộc đến khi cùi bưởi chuyển sang màu trắng trong thì vớt ra để ra thau nước đá rồi vắt khô. Cho vào 45 gram đường ướp. Sau đó áo bột năng, chú ý nên cho cùi bưởi vào từ từ, trộn đều đến khi cùi bưởi rời ra thành từng viên, rây bột để bỏ bớt phần bột dư bên ngoài. Nấu nước sôi, luộc phần cùi bưởi áo bột đến khi bột trong và nổi lên trên mặt thì lấy ra cho vào thau nước lạnh. Sau đó vớt ra để ráo nước.
luộc cùi bưởi
Các bước luộc cùi bưởi và áo bột năng cho cùi bưởi được giòn. Ảnh: Internet.

1.2.4. Cách nấu chè bưởi đậu xanh nước cốt dừa ngon kiểu An Giang

  • Cuối cùng trong cách nấu chè bưởi An Giang là bước nấu chè. Đun 1,8 lít nước cùng 6 cọng lá dứa, 400 gram đường phèn và ½ muỗng canh muối. Khi nước sôi lên, vớt lá dứa ra ngoài và cho phần cùi bưởi đã áo bột vào nồi.
  • Để tạo độ sệt cho chè, bạn khuấy 100 gram bột năng với nước rồi đổ hỗn hợp vào nồi, khuấy đều tay. Cho đậu xanh đã hấp chín vào, cho thêm vani rồi đợi đến khi nước sệt thì tắt bếp.
bỏ đậu xanh
Cách nấu chè bưởi An Giang với cùi bưởi và đậu xanh. Ảnh: Internet.

1.2.5. Cách nấu nước cốt dừa ăn cùng chè bưởi An Giang

  • Nấu 200 ml nước cốt dừa cùng 5 gram muối, 10 gram đường, 10 gram lá dứa và bột năng pha loãng, khuấy đều tay. Khi thấy hỗn hợp tan hoàn toàn thì bạn tắt bếp.
  • Mẹo nhỏ nấu nước cốt dừa ngon là bạn giữ nhiệt độ từ 80 – 85 độ C, khuấy đều tay để không bị vón cục, có độ sánh vừa phải và có độ bóng đẹp.
  • Nếu bạn không có thời gian, có thể dùng nước cốt dừa đóng hộp để tiết kiệm thời gian.
  • Múc chè bưởi ra chén, rưới nước cốt dừa, dừa nạo và đậu phộng rang giã nhỏ là bạn đã có ngay món ăn vặt thanh mát, hấp dẫn cho ngày hè nóng bức.
  • Bạn có thể cho thêm một ít tinh dầu hoa bưởi để món chè bưởi thơm và hấp dẫn hơn.
cách nấu chè bưởi an giang không bị đắng
Chè bưởi An Giang có thể ăn nóng hoặc ăn lạnh với đá bào đều ngon. Ảnh: Internet.

2. Một số mẹo nhỏ trong cách nấu chè bưởi An Giang tại nhà

Các bước nấu chè bưởi An Giang không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công trong công đoạn chế biến vỏ bưởi. Các bạn hãy lưu ý những điều sau đây:

  • Khi nấu chè bưởi, không phải loại cùi bưởi nào nấu chè cũng ngon. Bạn nên chọn bưởi Năm roi hoặc bưởi da xanh để có cùi bưởi ngon, cơm dày, da trắng mịn. Không nên chọn loại bưởi non vì bưởi non sẽ rất đắng, cùi cũng chưa chín mùi để đạt được độ giòn như ý.
  • Loại bỏ sạch phần vỏ xanh và bóp kỹ cùi bưởi để loại bỏ hết tinh dầu, chè không bị đắng. Ngoài nấu chè, bạn có thể làm mứt từ cùi bưởi dai giòn.
  • Sau khi luộc vỏ bưởi cần vớt ra cho vào thau nước đá để bưởi giòn, ngon hơn.
  • Khi dùng bột năng nên cho bột vào từ từ để tránh cho bột quá nhiều sẽ khiến chè bị đặc sệt, gây khó ăn.
  • Chè bưởi dùng ngon hơn khi dùng kèm với đá bào hoặc để lạnh.
cách nấu chè bưởi an giang
Để nấu chè bưởi không bị đắng cũng cần có một số mẹo nhỏ. Ảnh: Internet.

Món chè bưởi đậu xanh của miền Tây đặc biệt được nhiều người yêu thích. Chè bưởi đạt yêu cầu khi có được miếng cùi bưởi giòn sần sật, không dai, không mềm. Chè có độ sánh mịn vừa phải ăn kèm với nước dừa béo bùi hấp dẫn. Cách nấu chè bưởi An Giang tuy mất nhiều thời gian, nhưng bù lại món chè bưởi của chúng ta sẽ rất thơm ngon, dùng để chiêu đãi cho cả gia đình hoặc tự kinh doanh. Chúc bạn thành công với công thức nấu chè trên đây.

Hồng Ngọc