1. Cách làm mứt quất ngọt ngon không bị đắng

Cách làm mứt tắc không bị đắng khiến nhiều người không khỏi tò mò. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người ta thường chưng tắc trước nhà để cầu may, thế nhưng, ít ai biết được cách chế biến loại quả này thành mứt lại ngon và hợp khẩu vị đến thế, đặc biệt còn không bị đắng ngay cả khi để nguyên vỏ. Hôm nay webnauan.vn sẽ bật mí cho bạn công thức làm mứt tắc không bị đắng vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.

1.1. Nguyên liệu

  • 500 gram tắc
  • 200 gram đường trắng
  • 20 gram muối
  • 10 gram phèn chua

1.2. Hướng dẫn cách làm mứt tắc không bị đắng bằng phèn chua

1.2.1. Hướng dẫn cách sơ chế tắc hết đắng

Sở dĩ, tắc có vị đắng là vì phần vỏ có chứa tinh dầu. Để loại bỏ vị đắng này, bạn cần sơ chế tắc như cách làm mứt vỏ cam sành hoặc theo các bước như dưới đây.

  • Tắc chọn mua những quả chín vàng, con tươi và không bị dập, như vậy mứt làm ra mới có màu đẹp mắt. Sau đó, mang đi rửa sạch với nước, dùng dào khứa 5 đường xung quanh vỏ, bóp nhẹ để loại bỏ hạt, đồng thời tạo hình cánh hoa mai đẹp mắt. Làm lần lượt cho đến khi hết số tắc chuẩn bị, cho tất cả vào tô rồi thêm 20 gram muối và 500 ml nước ngâm qua đêm. Đây là bước quan trọng để loại bỏ vị đắng của tắc.
Ngâm tắc với muối
Ngâm tắc với muối để loại bỏ vị đắng và chát. Ảnh: Internet
  • Sau khi ngâm qua đêm, bạn vớt tắc ra ngoài rửa lại với nước để tránh bị mặn. Sau đó, đun sôi 1 lít nước, cho thêm 10 gram phèn chua vào. Kế đến trút tắc vào chần sơ với nước nóng khoảng 2 đến 3 phút rồi vớt ra thau nước đá lạnh. Cách này giúp tắc vẫn giữ được độ giòn và thơm khi làm mứt.
Chân sơ tắc với nước phèn chua
Chân sơ tắc với nước phèn chua và ngâm lại nước đá lạnh để tắc khi sên mứt được giòn hơn. Ảnh: Internet

1.2.2. Hướng dẫn cách sên mứt quết với đường không bị đắng

  • Trộn tắc với 200 gram đường, sau đó ướp khoảng 1 đến 2 giờ cho đường tan hết. Bắc lên bếp và bắt đầu sên, bạn vặn lửa nhỏ và thỉnh thoảng dùng đũa đảo nhẹ để tắc không bị cháy. Sên cho đường kẹo lại thì tắt bếp.
Ngâm đường để tắc không bị đắng rồi bắt đầu sên mứt
Ngâm tắc với đường đến khi đường tan hết thì mới bắc lên bếp sên. Ảnh: Internet
  • Chuẩn bị một khay nướng có lót sẵn giấy nến, xếp từng miếng mứt tắc lên trên. Sau đó cho vào lò sấy ở nhiệt độ 150 độ C khoảng 40 phút thì lấy ra ngoài. Nếu không có lò sấy, bạn có thể cho tắc ra mâm và phơi với 2, 3 ngày nắng to.
Sấy mứt tắc không bị đắng cho khô
Cho mứt tắc vào lò sấy ráo hoặc đem đi phơi nắng. Ảnh: Internet
  • Mứt tắc khi thành phẩm thường có màu vàng đẹp mắt và xòe 5 cánh tương tự như hoa mai. Nếu dùng không hết, bạn cho vào lọ thủy tinh có nắp đậy để bảo quản lâu dài nhé.
Làm mứt tắc không bị đắng
Mứt tắc sau khi thành phẩm thường có hình hoa mai đẹp mắt. Ảnh: Internet

2. Cách làm mứt tắc vàng không bị đắng để uống trị ho

Mứt tắc không chỉ là món ngon ngày Tết mà còn là bài thuốc trị ho vô cùng hiệu quả nếu bạn thực hiện theo công thức mà webnauan.vn đã bật mí dưới đây.

2.1. Nguyên liệu

  • 1 kg tắc trái
  • 2 muỗng canh vôi bột
  • 1 kg đường trắng hoặc 400 gram đường phèn

2.2. Hướng dẫn cách làm mứt tắc vàng dẻo không bị đắng trị ho

2.2.1. Hướng dẫn cách sơ chế tắc không bị đắng

  • Tắc chọn mua những quả chín vàng, không bị dập nát, đem rửa sạch và cắt sát cuống. Dùng dao nhọn khứa 5 đường ngắn xung quanh quả tắc, bóp nhẹ để hạt rơi ra ngoài. Vôi bột cho vào hòa tan với 1,5 lít nước, để yên khoảng 30 phút cho vôi lắng xuống rồi gạn lấy phần nước trong để ngâm tắc. Bạn ngâm trong khoảng 7 giờ hoặc ngâm qua đêm để tắc bớt đắng và chua.
Ngâm tắc với nước vôi trong
Ngâm tắc với nước vôi trong. Ảnh: Internet
  • Đủ thời gian, vớt tắc ra ngoài, dùng tay ấn dẹp quả tắc rồi rửa lại với nước sạch nhiều lần để loại bỏ mùi vôi. Sau đó, cho vào ướp với 1 kg đường. Nếu không quá thích ngọt, bạn có thể giảm lượng đường xuống còn 800 gram hoặc 900 gram. Tuy nhiên vẫn khuyến khích dùng lượng đường tương ứng để có thể bảo quản mứt tắc được lâu hơn. Thời gian ướp với đường, thường xuyên dùng đũa đảo đều để đường nhanh tan.
Ngâm tắc với đường trước khi sên mứt để không bị đắng
Ngâm tắc với đường đến khi đường tan hết. Ảnh: Internet

Lưu ý: Khi dùng mứt tắc để trị ho, bạn nên thay thế đường trắng thành đường phèn. Nếu sử dụng đường phèn, bạn có thể bỏ qua bước ngâm đường, trực tiếp cho tắc đã sơ chế cùng với đường phèn và ít nước lọc lên bếp đun. Thực hiện sên mứt như bình thường.

2.2.2. Hướng dẫn cách sên mứt tắc vàng dẻo trị ho

  • Khi đường đã ra nước, bắc hỗn hợp lên bếp và bắt đầu sên mứt. Vặn lửa to đến khi nước đường sôi thì hạ lửa thật nhỏ để mứt tắc không bị cháy.

Lưu ý: Bạn chỉ thỉnh thoảng mới dùng đũa đảo, tránh trường hợp đảo nhiều lần làm mứt tắc nguyên trái bị nát. Khi thấy quả tắc có màu trong hơn, đường kẹo lại và sánh mịn thì tắt bếp.

Sên mứt tắc với lửa nhỏ
Sên mứt tắc với lửa nhỏ để không bị cháy. Ảnh: Internet
  • Lần lượt xếp tắc ra khay và đặt vào lò nướng, sấy ở nhiệt độ 100 độ C khoảng 40 phút thì có thể tắt lò và cho ra ngoài. Nếu không muốn ăn dẻo, bạn có thể tăng thêm thời gian sấy.
Xếp mứt tắc không bị đắng ra khay
Xếp mứt tắc vào khay. Ảnh: Internet
  • Để mứt tắc nguội hoàn toàn thì có thể cho vào lọ, đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Vào thời điểm giao mùa, nếu bị ho bạn có thể lấy một miếng mứt tắc ra ngậm, cách này tuy đơn giản nhưng lại rất hiệu quả.
Làm mứt tắc không bị đắng trị ho
Mứt tắc làm theo công thức này trị ho rất hiệu quả. Ảnh: Internet

3. Cách làm mứt tắc xắt sợi không bị đắng

Mứt tắc xắt sợi hay mứt tắc xí muội được xem là bài thuốc dân gian trị cảm, ho rất hiệu quả. Hoặc vào những ngày trời oi bức, dùng chúng pha với đá xay sẽ tạo ra thức uống giải khát ngon vô cùng.

3.1. Nguyên liệu

  • 500 gram quả tắc tươi
  • 350 gram đường phèn
  • 2 muỗng cà phê mật ong

3.2. Hướng dẫn cách làm mứt tắc mật ong dạng sợi không bị đắng

  • Tắc chọn mua những quả còn tươi, xanh và mọng nước. Sau đó đem đi rửa sạch, cắt đôi và vắt lấy nước. Vỏ tắc lấy cắt thành những sợi mỏng rồi đem ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 2 đến 4 giờ đồng hồ cho hết đắng.
  • Bắc nồi lên bếp, cho phần nước cốt tắc vừa vắt vào cùng với 350 gram đường và đun sôi.
Sơ chế tắc và nấu nước đường phèn.
Sơ chế tắc và nấu nước đường phèn. Ảnh: Internet
  • Khi đường phèn tan hết, vớt vỏ tắc ngâm muối ra, vắt sạch nước và cho vào sên cùng. Vặn lửa nhỏ và sên khoảng 10 phút cho nước tắc sệt lại, cho mật ong vào và sên thêm 5 phút nữa thì tắt bếp.
Sên mứt tắc xí muội không bị đắng
Sên mứt tắc xí muội. Ảnh: Internet
  • Để mứt tắc xí muội nguội hẳn rồi mới cho vào hũ bảo quản, bạn có thể để nơi thoáng mát hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh. Món mứt này khi pha với nước ấm sẽ có tác dụng trị ho rất tốt. Hoặc bạn có thể cho vào vài viên đá để làm nước giải khát mùa hè.
Nước mứt tắc xí muội
Mứt xí muội khi thêm vài viên đá có thể trở thành thức uống giải khát ngày hè tuyệt vời. Ảnh: Internet

4. Ăn hoặc uống mứt tắc mỗi ngày có tốt không?

Tắc là loại quả thuộc họ cam, mặc dù hạn chế về kích thước nhưng giá trị dinh dưỡng của chúng khiến ai cũng nể phục. Đây là loại quả giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa tự nhiên vô cùng tốt. Vì thế thường xuyên uống nước ép tắc sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi những vi khuẩn, virus lây bệnh thông thường. Đồng thời còn giúp duy trì làn da tươi trẻ, khỏe mạnh, làm chậm quá trình lão hóa.

Mứt tắc có nhiều công dụng tốt
Mứt tắc được xem là phương thuốc dân gian trị ho hiệu quả. Ảnh: Internet

Đặc biệt, quả tắc còn có hàm lượng chất xơ dồi dào. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 8 quả tắc có chứa đến 10 gram chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa chứng táo bón, đau dạ dày hoặc chướng bụng. Ngoài ra, trong tắc còn chứa nhiều vitamin A, một chất giúp mắt sáng khỏe. Bên cạnh làm nước ép, tắc khi chế biến thành mứt còn giúp điều trị cảm mạo, ho và viêm họng rất tốt.

Tết đến, muốn làm món mứt nào vừa ngon lại vừa an toàn cho sức khỏe thì tắc sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Mứt tắc chua chua ngọt ngọt, ăn vào có mùi thơm rất thanh mát và dễ chịu. Trên đây, webnauan.vn đã bật mí cách làm mứt tắc không bị đắng vô cùng đơn giản, nhớ lưu vào sổ tay nấu ăn để thực hiện món ngon cho ngày Tết gia đình của bạn nhé.

Mỹ Lệ tổng hợp