1. Ý nghĩa của tục trưng mâm ngũ quả ngày Tết theo truyền thống Việt

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết đẹp xuất phát chủ yếu từ những chiêm nghiệm trong bộ môn phong thủy. Dần dần, thủ tục cúng Tết này chính thức được xem như một hình thức tính ngưỡng dân gian phổ biến. Ẩn chứa bên trong mâm ngũ quả ngày Tết là những ý nghĩa tốt đẹp sâu xa. Bên cạnh đó, còn có yếu tố khoa học gắn liền. Chúng ta cùng khám phá điều này chi tiết hơn với các thông tin tiếp sau đây nhé.

1.1. Ý nghĩa của mâm ngũ quả căn cứ vào ngành khoa học kĩ thuật cổ truyền Á Đông

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết không chỉ quy ước là bạn phải chưng đủ số lượng 5 loại trái cây khác nhau. Con số 5 ẩn chứa khá nhiều tầng nghĩa trong đời sống tâm linh của dân tộc ta.

Tại sao không phải lục quả hay thất quả mà nhất định lại là ngũ quả? Theo phong thủy, con số 5 tọa ở giữa Lạc Thư. Tức là con số trung tâm của vũ trụ, giữa trời và đất, giữa âm và dương.

cách bày mâm ngũ quả ngày Tết liên quan đến ngũ hành
Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết liên quan đến ngũ hành. Ảnh Internet.

Con số 5 đại diện cho những nguyên tố sinh khắc của vận mệnh trong ngũ hành. Bao gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Nó tương ứng với nguyên tắc kề cận thì sinh sôi luân chuyển mãi không ngừng. Và, sự cách nhau thì khắc chế luân lưu. Đó chính là sự vận động, biến thiên, chuyển dời của vũ trụ. Sự vận động ấy tạo thành vòng tròn của sự sống và cái chết bất diệt.

Từ ngũ trong đại từ điển có đến 12 nghĩa. Đồng thời, có 1148 từ ghép với chữ ngũ đơn cử như ngũ sắc, ngũ âm, ngũ vị, ngũ tạng… Nên có thể coi số 5 là biểu tượng chung của sự sống. Ngoài ra, cách bày mâm ngũ quả ngày Tết dâng lên bàn thờ còn thể hiện ao ước đạt ngũ phúc long môn của người Việt. Gói gọn mong cầu trong 5 chữ Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Với ngụ ý muốn có vận may về tài lộc lẫn sức khỏe vào cả năm mới.

1.2. Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết gắn liền với nền văn hóa lúa nước

Trong nông nghiệp, người ta cũng cảm tạ vị thần cai quản đất đai thông qua cách bày mâm ngũ quả ngày Tết. Ai nấy cũng đều chờ đợi vụ mùa sắp tới bội thu y hệt như năm cũ. Ngũ quả còn biểu tượng cho sự phồn thực và sinh sôi. Sự nối truyền dòng giống miên viễn.

Mâm ngũ quả đẹp ngày Tết mang ý nghĩa vượt lên cả sự sinh tồn của vạn vật, xen kẽ sự luân hồi của sống chết. Nó hướng ta đến những gì bình yên và êm ấm nhất. Ngày nay, số lượng trái cây không nhất thiết giới hạn là 5 nữa. Nhiều gia đình bày biện phong phú hơn con số này, người ta vẫn giữ nguyên cách gọi mâm ngũ quả như thường.

văn minh lúa nước và mâm ngũ quả ngày Tết
Văn minh lúa nước sản sinh nhiều nông sản trù phú, thể hiện ở mâm ngũ quả ngày Tết phồn thực.

2. Giải mã ước nguyện gia chủ dựa trên loại trái cây bày mâm ngũ quả ngày Tết đúng cách

Nhìn vào mâm ngủ quả, người ta có thể phỏng đoán được những tâm nguyện của gia chủ trong năm mới. Mỗi loại quả đều mang lại ý nghĩa rất thú vị. Bạn cứ thử khám phá những nét nghĩa ở từng loại trái cây sau nhé!

  • Chuối xanh: Đây là loại quả chiếm vị trí quan trọng trong cách bày mâm ngũ quả ngày Tết. Chuối tượng trưng cho bàn tay ngửa lên, bao bọc đem đến sự bình an, đa phúc lộc. Màu xanh của chuối biểu tượng cho mùa xuân. Nó hội tụ bao sự tinh túy của đất trời, mang ý nghĩa che chở, bảo vệ.
  • Phật thủ hoặc bưởi: Hàm ẩn ý niệm hy vọng được trời phật ban lộc, ban may mắn bình an nhân thế.
  • Đu đủ và quả sung: Hai thứ quả này đem lại sự sung túc, đầy đủ cho mọi gia đình khắp nơi. Qua đó, giúp bạn tránh được sự khó khăn, bần hàn.
  • Đào: Nhân tố biểu trưng cho sự thăng tiến sự nghiệp trong cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc.
mâm ngũ quả thiết lập trên tập hợp ý nghĩa từng loại trái cây gộp lại
Mâm ngũ quả Tết được bày trí dựa trên tập hợp ý nghĩa từng loại trái cây gộp lại. Ảnh Internet.
  • Cam, quýt, hồng, mận: Cũng biểu lộ sự thành đạt bền lâu, việc làm ăn của gia chủ thuận buồm xuôi gió.
  • Lựu: Không có gì lạ khi loại trái cây nhiều hạt này có mặt tại cách bày mâm ngũ quả ngày Tết. Nó diễn tả cảnh tượng con đàn cháu đống của gia đình bạn trong tương lai.
  • Dưa hấu, mãng cầu: Hứa hẹn bao ngọt ngào, phước lành sẽ luôn hiện diện xung quanh chúng ta.
  • Xoài, dừa: Loại trái cây đem đến đường tiền tiêu không hề thiếu hụt.

3. Sự khác biệt trong mâm ngũ quả theo cách bày biện của ba miền ngày Tết

Tùy vào điều kiện địa lý, thời tiết mà mỗi vùng thu hoạch được các dạng nông sản khác nhau. Yếu tố vật chất cũng đi đôi với yếu tố tâm lý con người trên từng mảnh đất. Thế nên, cách lựa chọn loại trái cây, ý nghĩa, trang trí mâm ngũ quả ngày Tết mỗi địa phương cũng có đôi chút khác biệt. Webnauan.vn xin được giới thiệu cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của cả ba miền đất nước.

3.1. Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc

Cách bày mâm ngũ quả miền Bắc ngày Tết thường tuân theo thuyết Ngũ hành. Vì vậy, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu. Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng.

  • Thứ nhất, người ta sẽ để nải chuối xanh đặt dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các trái cây khác. Nó tương ứng với hành Mộc, biểu thị sự giúp đỡ, bảo ban giữa người với người luôn hiện diện muôn phương.
  • Thứ hai, Phật thủ màu vàng tượng trưng hành Thổ nên được đặt ở giữa mâm ngũ quả, trong lòng nải chuối.
dĩa mâm ngũ quả miền Bắc
Dĩa mâm ngũ quả miền Bắc rực rỡ. Ảnh Internet.
  • Tiếp theo, ba loại quả khác có các màu đỏ ứng với mùa Hạ – hành Hỏa như ớt, cam,quýt chín, hồng… được xếp vào. Kế đó là màu trắng ứng với mùa Thu – hành Kim như roi, đào… Dù ớt chỉ mang đến vị cay đắng nhưng lại tạo hiệu ứng đẹp mắt hơn ở cách bày mâm ngũ quả ngày Tết thời hiện đại.
  • Còn màu đen ứng với mùa Đông – hành Thủy thì ta chọn mận, hồng xiêm… Tất cả những loại quả này được bày đan xen vào nhau lên mâm ngũ quả tạo thành hình tháp.

3.2. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết của miền Trung

Nơi khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai vốn dĩ cằn cỗi, ít hoa trái. Thời gian mùa Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt. Và cả những hậu quả thiên tai để lại từ trước đó chưa dứt nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Người dân quê không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả. Họ chủ yếu có gì quý thì bày lên cúng nấy. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung đơn giản, nhưng thành tâm dâng kính tổ tiên.

Các loại quả thường thấy khá đa dạng như thanh long, dưa hấu, mãng cầu, dứa… Cách bày mâm ngũ quả miền Trung ngày Tết không gò bó quy củ nào, miễn sao thoạt nhìn trái cây có màu sắc tươi sáng, bắt mắt là ổn.

cách xếp mâm ngũ quả của miền Trung
Cách xếp mâm ngũ quả của miền Trung. Ảnh Internet.

3.3. Thiết kế mâm ngũ quả miền Nam ngày đầu năm mới

Quan niệm thờ cúng chuối xanh theo ngũ hành ở miền Bắc không ăn khớp với lối tư duy của miền Nam. Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Nam chịu sự chi phối về mặt cảm thức ngữ âm từ tên gọi các loại trái cây. Do chuối phát âm gần giống với “chúi”, biểu thị sự nguy khó, nên người ta kiêng bày loại này.

Cũng bởi câu “quýt làm, cam chịu” mà người Nam không dùng cam trưng như ngoài Bắc. Họ cũng chẳng dùng quả lê, đồng âm  với “lê lết” sẽ kém may mắn.

cách bày biện mâm ngũ quả miền Nam
Cách bày biện mâm ngũ quả miền Nam mộc mạc. Ảnh Internet.

Người miền Nam bày mâm ngũ quả với mong muốn “cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc. Vì vậy họ chọn 5 loại quả đọc chệch âm được như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Bên cạnh đó, đặt thêm trái thơm vào sẽ thể hiện sự vững vàng. Người ta chẳng quên trang trí cùng cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng cân đối hai bên bàn thờ. Nó tượng trưng cho lòng trung nghĩa và trinh tiết của người phương Nam.

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã và hóm hỉnh. Mỗi người một cuộc sống và ý nguyện khác nhau, biết thế nào là “đủ”. Thế nhưng, ai cũng chỉ cần đủ mà thôi.

4. Những gợi ý trong khâu chọn mua trái cây xếp thành mâm ngũ quả

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết hoàn hảo phụ thuộc ngay khâu bạn bắt đầu đi chợ. Đừng trao trọn niềm tin vào người bán, bạn nên tự tay lựa ra để an tâm trong vấn đề vệ sinh thực phẩm.

4.1. Mẹo chuẩn bị mâm ngũ quả đáp ứng đúng tiêu chí đẹp từ hình thức bên ngoài

Nhiều người thường có thói quen mua trái cây sớm để bày trí mâm ngũ quả. Tuy nhiên, nếu mua phải những quả chín ép sẽ rất nhanh hỏng. Hơn nữa, mâm ngũ quả thường được để sau 30 Tết vài ngày. Thế nên, gia chủ không nên mua và bày mâm ngũ quả quá sớm. Cách chọn trái cây bày mâm ngũ quả đẹp Tết như sau:

  • Chọn quả mới chín tới để vẫn có màu sắc tươi và bày được lâu. Quả phải chắc tay, không bị dập, trầy xước, còn cuống và lá.
chọn trái dưa hấu chắc tay, lau sạch, không rửa
Chọn trái màu sắc đẹp, chắc tay, dùng khăn lau sạch chứ không rửa nước.
  • Không nên rửa quả trước khi đặt lên bàn thờ cúng. Việc làm này sẽ làm trái cây sớm bị héo, hoặc thối, nếu có chỗ đọng nước. Tốt nhất bạn chỉ cần dùng khăn ẩm lau sạch quả là được.
  • Việc đảm bảo được cách bày mâm ngũ quả ngày Tết hợp lí về mặt bố cục bề ngoài là yếu tố tiên quyết. Sau đó, bạn cũng phải giữ sao cho hương vị “lộc cúng” khi ăn đạt chất lượng.

4.2. Bí quyết chọn trái cây chuẩn vị ngon khi thưởng thức

4.2.1. Cách chọn trái cây bày mâm ngũ quả Tết của người Nam
  • Mãng cầu xiêm thì chọn những quả có màu xanh ngả vàng nhạt , gai to, mềm. Khoảng cách các gai khá rộng. Mãng cầu ta nên chọn loại có mắt to, khe hở giữa các mắt vừa đủ rộng, hơi sâu. Chạm vào vỏ có độ mềm nhẹ. Bạn đừng mua quả chín quá vàng, chỉ trưng được ngắn ngày.
mãng cầu xiêm và mãng cầu ta hài hòa về màu sắc
Phần mãng cầu xiêm và mãng cầu ta hài hòa về màu sắc. Ảnh Internet.
  • Cần tránh mua đu đủ có núm màu xanh, vì nó bị chín ép không ngon. Nên mua loại vỏ vàng, có đốm li ti, dáng thuôn dài. Dùng tay ấn nhẹ lên vỏ, vỏ mềm là quả đã chín.
phần đu đủ mới chín
Những quả đu đủ mới chín thích hợp cách bày mâm ngũ quả ngày Tết. Ảnh Internet.
  • Khi mua xoài, bạn cấu vào cuống lá và ngửi mùi. Nếu cuống có mùi thơm và tinh dầu thì là quả tươi. Chú ý quan sát phần mắt nhỏ ở bụng xoài, gần đuôi, mắt này càng nhỏ thì hạt xoài càng nhỏ.
xoài trong tại vườn nhà
Xoài trong tại vườn nhà bao giờ cũng đảm bảo độ tươi ngon hơn hẳn. Ảnh Internet.
4.2.2. Cách chọn trái cây bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
  • Lúc chọn mua chuối, bạn nên nhắm đến những nải màu xanh sậm, quả căng bóng. Quả có màu khá nhạt rất khó chín.
nải chuối sứ còn xanh
Nải chuối sứ còn xanh. Ảnh Internet.
  • Nên chọn bưởi năm roi màu xanh hơi ươm vàng nhiều một chút, múi ngọt.
  • Phật thủ phải trông rắn chắc, nhiều ngón dài, móng nhọn. Tránh chọn loại có đốm mềm, khập khiễng. Phật thủ thường thơm mùi chanh tươi. Khi mua về thì dùng rượu trắng lau sạch, khéo ngăn không cho trầy xước làm nó dễ thối.
Những quả phật thủ gần chín tới rất thích hợp để xếp vào mâm cúng
Những quả phật thủ gần chín tới rất thích hợp để xếp vào mâm cúng. Ảnh Internet.
  • Cam nên lựa những quả căng bóng, cầm nặng tay. Quả cam ngon có dạng đứng, không méo mó, mất cân đối.
  • Ngược lại, với quýt, bạn đừng chọn những loại quá to, quá căng mọng sẽ ít ngọt và không thơm lắm. Cần có độ vàng bóng tự nhiên, mềm tay và độ đàn hồi tốt.
  • Chọn những quả dứa có màu vàng sẫm hơi ngả cam nhạt. Quả có dáng tròn bầu thì nhiều thịt hơn quả dạng ống dài.
Dứa tươi vàng ánh cam
Những quả dứa tươi vàng ánh cam trông cực thích mắt. Ảnh Internet.
  • Bạn nên mua những quả hồng còn nguyên cuống. Loại hồng giòn sẽ khó dập hơn dạng hồng đỏ thông thường.
  • Dưa hấu thì phải mua loại cuống lá nhỏ héo khô lại. Núm dưa tròn đều, hơi lõm, Vỏ căng tròn, sọc đen nổi rõ. Phần bên dưới quả dưa càng bé càng tốt, càng lõm sâu thì dưa càng ngọt.

Cùng với bánh chưng, bánh tét, câu đối đỏ, cách bày mâm ngũ quả ngày Tết không dừng lại ở việc biến không gian cúng thêm trang nhã, ấm cúng. Mâm ngũ quả đẹp ngày Tết còn thể hiện sinh động tư tưởng triết lí, tín ngưỡng, thẩm mỹ của người Việt. Kể cả đối với những kiều bào tha hương lâu năm, họ vẫn không gạt bỏ nghi thức tri ơn tổ tiên độc đáo này.

Bảo Tiên tổng hợp